Tại phía Đông thành phố Thanh Hóa, giá bất động sản tăng liên tục, mức chênh lệch giữa giá mua bất động sản ký với chủ đầu tư và giá mua ngoài thị trường lên đến gần 400 triệu, nhưng vẫn khan hiếm hàng để bán. Nhiều lô đất, chỉ cần sang tay nhà đầu tư thu về ngay tiền lãi vài trăm triệu đồng.
Năm 2018 và đầu năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc đất nền vùng ven với mức tăng giá từ 30 đến 50%, thậm chí có nơi tăng hơn 100% chỉ trong một thời gian ngắn. Từ tâm điểm thị trường TP.HCM và Hà Nội, cơn sốt đất nền vùng ven đã lan tỏa ra khắp cả nước và từ đầu năm 2019 trở lại đâu là Thanh Hóa.
Tại các khu vực vệ tinh xung quanh Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, giá đất nền “nhảy múa” liên tục với mức tăng “nóng” từ 30 – 50%. Thậm chí có những khu vực giá đất tăng gấp 3 lần chỉ trong vài năm. Cá biệt, giá đất một số khu vực tại xã Quảng Cư đã tăng gấp tới 10 lần chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, từ mức 2 – 4 triệu đồng/m2 năm 2015 lên mức 16 – 20 triệu đồng/m2 đầu năm 2019.
Tại Sầm Sơn giá đất thổ cư ở mặt đường Nguyễn Du, bãi tắm C của biển Sầm Sơn chỉ đạt trung bình 10 – 13 triệu đồng/m2 vào năm 2015, nhưng đã tăng lên 15 – 16 triệu đồng/m2 năm 2016, tăng mạnh lên mức 20 – 25 triệu/m2 năm 2017 và đạt mức xấp xỉ 30 triệu đồng/m2 thời điểm 2018, đạt ngưỡng 35-40 triệu đồng thời điểm đầu năm 2019. Giá đất mặt đường Hồ Xuân Hương thậm chí ngang ngửa so với khu vực TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi nhiều mảnh đã cán mốc giá 100 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với mốc năm 2015.
Giá đất khu vực lân cận Khu đô thị FLC Lux City Sầm Sơn thuộc FLC Sầm Sơn đã tăng gấp tới 10 lần chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, từ mức 2 – 4 triệu đồng/m2 năm 2015 lên mức 16 – 20 triệu đồng/m2. Giá đất tại dự án của Vin Group và Eurowindow trung bình từ 30 triệu đồng tăng lên 50 đến 60 triệu đồng/m2 và liên tục cháy hàng khi mở bán.
Tại phía Đông thành phố Thanh Hóa, giá bất động sản tăng liên tục, mức chênh lệch giữa giá mua bất động sản ký với chủ đầu tư và giá mua ngoài thị trường lên đến gần 400 triệu, nhưng vẫn khan hiếm hàng để bán. Nhiều lô đất, chỉ cần sang tay nhà đầu tư thu về ngay tiền lãi vài trăm triệu đồng.
Đất đấu giá tại Thanh Hóa cũng đang quay cuồng trong cơn sốt. Mới đây, tại cuộc đấu giá đất tại Phường Quảng Châu – Thành phố Thanh Hóa, giá khởi điểm chỉ 2,8 triệu đồng/m2 nhưng sau đấu giá các lô đất tại đây giá tăng gấp 4-5 lần. Cảnh nhà đầu tư, người dân đi đấu giá đất đông như hội là cảnh tượng thường thấy ở Thanh Hóa trong một năm trở lại đây.
Tại các khu vùng thị trấn, thị tứ, dọc theo các trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Nam sông Mã nối liền các huyện thị, các cụm cảng, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thị trường BĐS cũng đang phát triển cũng nhanh chóng. Tại những khu vực này, bắt đầu xuất hiện những khu đô thị có quy mô vừa và nhỏ, được quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, nằm xen hoặc ven các khu dân cư hiện hữu.
Các dự án đất nền có hạ tầng hoàn chỉnh đang hút các nhà đầu tư. (Ảnh dự án khu đô thị Sunrise Residence).
Có thể kể đến như khu đô thị Sunrise Residence của Tổng Công ty tài chính Hà Thành – CTCP đang được thi công xây dựng rầm rộ tại Quảng Phú, TP Thanh Hóa, nằm trên mặt đường Quốc lộ 47 cách khu trung tâm hành chính mới chừng 7km. Khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ hạ tầng, với quy mô gần 17ha gồm các dãy nhà biệt thự, nhà phố, nhà liền kề cùng các khu đất công cộng xây dựng khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, trường học, trung tâm y tế…
Hiện tại, trong làn sóng đầu tư đất nền tại TP Thanh Hóa, khu đô thị Sunrise Residence được xem là nguồn cung mới có sức hút với các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2019. Bởi mặt bằng giá đất nền thuộc khu đô thị này ở mức khoảng 8-9 triệu đồng/m2 tùy từng mặt đường. Trong khi, giá biệt thự và nhà phố ở các khu đô thị mới trong trung tâm TP hiện đã tăng lên hơn 30 triệu đồng/m2.
Ngoài Sunrise Residence, hàng loạt dự án khu đô thị mới cũng đang chuẩn bị đổ bộ thị trường có thể kể đến như Khu đô thị Đại lộ Nam Sông Mã 4.000 tỷ đồng do liên danh với Công ty Xây dựng lắp máy Trung Nam – Công ty Cổ phần Phát triển Hòa Bình đầu tư, dự án Khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, Quảng Thắng do liên danh với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Phúc Thành đầu tư, dự án khu dân cư 30ha tại Quảng Thắng của Tập đoàn Miền Trung Hay mới đây nhất, TP Thanh Hóa đã phê duyệt cho Eurowindow Holding quy hoạch một dự án khu đô thị 29ha tại Hoàng Quang và Hoằng Long (Tp Thanh Hóa).
Nhận thấy thị trường BĐS vô cùng tiềm năng, sau thành công của dự án Vinhomes Star City Thanh Hóa, hiện nay Tập đoàn Vingroup đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch hàng loạt dự án mới, có thể kể đến như: dự án khu nghỉ dưỡng cạnh suối cá Cẩm Lương, quy mô vào khoảng 17,8ha, dự án khu đô thị ở khu vực Hồ Thành, thành phố Thanh Hóa. Đặc biệt, Vingroup cũng đang có ý định muốn làm thêm tổ hợp VinFast ở Thanh Hóa.
Cùng với Vingroup, Sungroup cũng chính thức công bố quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn. Được biết, đây là dự án trọng điểm, chiến lược của Sungroup tại Thanh Hóa với quy mô diện tích lên tới trên 1.260ha có vị trí phía Bắc giáp phường Quảng Cư, khu dân cư Quảng Tiến và sông Mã, phía Nam giáp xã Quảng Hải (Quảng Xương), phía Đông giáp khu dân cư Quảng Tiến và Quảng Cư, phía Tây giáp Quảng Châu.
Cùng với đó nhiều đại gia BĐS như Tổng Cty CP Miền Trung, Tập đoàn T&T, BRG Group đều có động thái hiện thực hoá kế hoạch và chiến lược dài hạn tại xứ Thanh ngay trong năm nay. Và sớm nhất, các chủ đầu tư còn quỹ đất giai đoạn 2 chắc chắn đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sự khởi động đầy hứng khởi cho mùa hè tới.
Theo nhận định của giới đầu cơ, giá đất nền tại Thanh Hóa có biên độ tăng giá cao và hiện vẫn còn biên độ tăng giá mạnh là bởi mặt bằng giá trước đây quá rẻ. Có thể thấy không ở đâu có giá dưới 10 triệu đồng/m2 khi có lợi thế du lịch biển như ở Thanh Hóa, nếu so với các khu vực tương tự hay các điểm du lịch như Đà Nẵng hay Nha Trang, Phú Quốc thì giá đất nền tại Sầm Sơn và khu vực phụ cận mới chỉ bằng 1/3. Đất nền trung tâm TP Thanh Hoá cũng đàng ở mức khá rẻ trong khi tốc độ đô thị Hóa của Thanh Hóa hiện đang rất cao, nhu cầu mua để ở của người dân cũng tăng mạnh.
Theo đánh giá của giới chuyên gia cho rằng, ngoài lực đẩy từ các ông lớn BĐS vào Thanh Hóa yếu tố quyết định dẫn đến việc giá đất tại Thanh Hóa tăng “phi mã” thời gian qua chính là cơ sơ hạ tầng và tăng trưởng du lịch, tương tự với nhiều địa phương khác cùng chung cơn sốt như Phú Quốc, Vân Đồn, Nha Trang, Đà Nẵng…
Theo quy hoạch TP. Sầm Sơn dự kiến đến năm 2040 có quy mô dân số 250.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.908 ha; các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật được áp dụng và tính toán theo tiêu chuẩn đô thị loại I. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng như: đường Lý Tự Trọng, quốc lộ 47, đường Hồ Xuân Hương, đại lộ Nam Sông Mã, đại lộ Voi – Sầm Sơn, các tuyến đường theo hướng Đông – Tây khu vực nội thị, sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn…
Còn tại Thành phố Thanh Hóa, trung tâm hành chính mới của TP Thanh Hóa ở phía Đông sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Đây là dự án trọng điểm do TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư trên tổng diện tích xây dựng hơn 57 nghìn m2 với tổng mức đầu tư khoảng 656 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư. Trung tâm hành chính mới là miếng ghép hoàn hảo của khu vực đô thị được đầu tư bài bản về hạ tầng xã hội, hứa hẹn sẽ tạo ra môi trường sống và làm việc đáng mơ ước cho khoảng 400 nghìn thị dân trong tương lai.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa mở rộng), tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Theo đó, đô thị Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực…Theo phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 232,64 km2.
Với, định hướng xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị mạnh, thu hút đầu tư, hướng đến kinh tế dịch vụ du lịch biển, mở rộng quỹ đất phát triển BĐS và thị trường nhà ở, lợi thế mạnh là tỉnh có diện tích lớn về cả diện tích, dân số 3,5 triệu người, chắc chắn nhu cầu về BĐS của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới là rất lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự quyết đoán của doanh nghiệp BĐS, quá trình nâng cấp đô thị hoàn thành và lượng khách du lịch tăng kéo theo nhu cầu về dịch vụ du lịch, thương mại, nông hải sản, nhu cầu về mặt bằng kinh doanh… là cơ sở chắc chắn để đất nền tại một số khu vực “nóng” như khu vực Trung tâm hành chính mới tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn tiếp tục là lĩnh vực đầu tư sinh lời cao, an toàn và hấp dẫn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo không chỉ đất nền các dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín mới tăng giá mà tại nhiều thị trường, giới đầu cơ còn gom cả đất nông nghiệp, tự phân lô, rao bán. Với những lô đất này, rủi ro rất cao đang rơi về phía khách hàng.
Nam Anh
Theo Trí thức trẻ